-
Đăng bởi: Doctor100
-
25 May, 2023
Cứu một người phúc đẳng hà sa
Ðón tôi trong căn nhà nhỏ nơi cuối phố là một vị bác sĩ đã ngoài 80 tuổi, nhưng vẫn có dáng vẻ cao niên cường tráng, nhanh nhẹn, da dẻ hồng hào và minh mẫn. Ông là BS. Nguyễn Ngang – nguyên giảng viên Học viện Quân y. Gặp ông ít ai ngờ trước đây ông mắc nhiều bệnh hiểm nghèo, mạn tính, đã có lúc phải nằm liệt. Khi phải đối mặt với nỗi đau bệnh tật lại là lúc ông đã nghiên cứu và tìm ra phương cách chiến thắng bệnh tật bằng phương pháp rèn luyện sức khỏe đơn giản mà hiệu quả. Ðến nay phương pháp chữa bệnh của ông đã được hàng vạn người áp dụng để chữa bệnh và nâng cao sức khỏe.
1. Mở đầu câu chuyện với tôi, ông nói về “Phương pháp chữa bệnh bằng con lăn”. Đó là cách tập luyện mà ông rất tâm huyết, đồng thời cũng là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời ông. Tốt nghiệp bác sĩ quân y, ông đã từng phục vụ chiến trường nhiều năm, rồi được giao xây dựng và phụ trách Tổ Giải phẫu bệnh lý đầu tiên của quân đội – tiền thân của Khoa Giải phẫu bệnh lý – Bệnh viện TW Quân đội 108 và sau này là giảng viên Bộ môn Giải phẫu bệnh lý – Học viện Quân y.
Sau những năm chiến tranh ác liệt, gian khổ và thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại nên sức khỏe của ông giảm sút nhiều. Là bác sĩ có nhiều phương pháp phòng bệnh nhưng ông thường xuyên bị các căn bệnh suy nhược thần kinh, tăng huyết áp, đau lưng do thoái hóa cột sống hành hạ. Cao điểm vào những năm 1990, ông bị tai nạn gãy cổ xương cánh tay và 3 xương sườn trái, thoái hóa nặng 4 đốt sống cổ, 4 đốt sống thắt lưng, phải nằm liệt một chỗ, lấy giường bệnh là nhà.
Bệnh tật đã làm cuộc sống của ông bị ảnh hưởng nhiều, sinh hoạt thường ngày phải có người giúp, đã vậy công việc chuyên môn, giảng dạy kiêm Bí thư Chi bộ Khoa Giải phẫu bệnh lý lại luôn bề bộn, chịu nhiều áp lực khiến ông phải xin nghỉ hưu sớm. Dù rất say mê công việc, lại được đơn vị, đồng nghiệp và học trò trong khoa quý mến, muốn động viên ông ở lại tiếp tục công tác nhưng họ biết sức khỏe của ông không cho phép và chỉ khi sức cùng lực kiệt ông mới phải chịu rời xa giảng đường thế này.
Năm 1996, ông bị ung thư da mặt phải trải qua 2 lần phẫu thuật và bị nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não lại kèm thêm những chứng bệnh mạn tính hành hạ, ông đau ốm triền miên. Nhiều đồng nghiệp đến thăm rất thương xót và lo ông khó sống để vượt qua nỗi đau bệnh tật. Nhưng cũng cuối năm 1996, qua tài liệu tham khảo về y học hiện đại, y học cổ truyền, ông đã tổng hợp được các phương pháp: xoa bóp day bấm huyệt nắn chỉnh lệch xương hông của Masayuki Saionji (Nhật Bản), phương pháp xoa bấm các điểm liên quan các cơ quan nội tạng ở gan bàn chân của BS. William Fitzeald (Mỹ) để tạo thành phương pháp chữa bệnh dựa trên nguyên lý lấy trọng lượng cơ thể bệnh nhân tác động lên con lăn với lực cân bằng trên các cơ gân, xương khớp, thần kinh, mạch máu cùng một lúc và diện rộng.
Phương pháp con lăn có tác dụng lên hệ thần kinh tự chủ, xương khớp và các huyệt đạo tạo nên phản ứng liên hoàn đặc biệt ở phần sau cơ thể, giải phóng sự chèn ép làm cho khí huyết lưu thông, chuyển hóa cân bằng, tăng sức đề kháng, cân bằng miễn dịch, đẩy lùi bệnh tật và nâng cao sức khỏe mà không cần phải phụ thuộc vào thuốc. Kết quả từ chỗ phải nằm bẹp giường vì đau đớn, sau khi tập 7 ngày ông đã đứng dậy và đi lại được. Sau 3 tháng kiên trì tập luyện với những động tác đơn giản và con lăn thô sơ, sức khỏe của ông được cải thiện và phục hồi nhanh chóng.
2. Sau 10 năm nghiên cứu, thử nghiệm và giới thiệu cho bạn bè, người thân tập luyện theo phương pháp con lăn đều mang lại kết quả tốt. Tiếng lành đồn xa, phương pháp tập luyện này ngày càng được nhiều người biết đến. Ai đến nhà ông tìm hiểu cũng được ông hướng dẫn tận tình. Đã có nhiều đoàn thể tổ chức hội thảo về phương pháp tập theo con lăn ở Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh hay tại các bệnh viện rồi mời ông đến phổ biến kiến thức tập luyện, ông đều sẵn sàng đi, dù không được một đồng thù lao, thậm chí tiền phương tiện đi lại cũng do ông tự bỏ tiền túi.
Ở lứa tuổi của ông, việc đi lại xa là cả vấn đề, thế mà có những hôm ông phải đi vài ngày trời về tận các huyện của tỉnh Bắc Giang, Thái Bình, Thanh Hóa. Ông bảo: Nghe tin được phổ biến phương pháp chữa bệnh vừa rẻ tiền lại vừa hiệu quả nên bà con kéo đến rất đông, mỗi buổi hàng trăm người. Tuy mệt nhưng giúp được mọi người là tôi vui rồi. Hiện tại phương pháp tập luyện bằng con lăn đã được Khoa Phục hồi chức năng (BV Bạch Mai), Khoa Đông y (BVTW Quân đội 108), BV Châm cứu TW ứng dụng trong điều trị cho bệnh nhân và được công nhận là phương pháp chữa bệnh nâng cao sức khỏe có hiệu quả, phù hợp với xu hướng hiện nay.
Báo chí và truyền hình đã không ít lần phổ biến phương pháp tập luyện này cho mọi người cùng biết. Năm 2007, kỹ sư Nguyễn Tiến Phương – Việt kiều ở Cộng hòa Áo về nước, được chứng kiến ông hướng dẫn mọi người tập luyện đã rất tâm đắc với phương pháp này. Ngay khi trở về Áo, anh đã ứng dụng và phổ biến rộng rãi phương pháp này, thành lập một trung tâm cung cấp và hướng dẫn phương pháp tập luyện bằng con lăn tại châu Âu. Hiện tại phương pháp này đã được ứng dụng rộng rãi tại 12 nước châu Âu và Canada. Rất nhiều người nước ngoài cũng say mê với phương pháp tập luyện bằng con lăn.
3. Trong khi trò chuyện, BS. Nguyễn Ngang thường nhắc đến những lời Phật dạy. Ông luôn có Phật ở trong tim và cả một đời ông làm bác sĩ cứu người cũng là đi theo những lời Phật dạy, luôn hướng thiện, luôn giúp đỡ mọi người và không bon chen vụ lợi. Ông nghỉ hưu nhưng không nghỉ nghề. Cả khu tập thể Mai Động khi nghe nói ông Ngang bác sĩ thì ai cũng biết. Ai ốm đau cần tư vấn là ông đến thăm bệnh tận nhà, hoàn toàn tự nguyện và từ thiện, không lấy một đồng công của ai. Ông coi đó là niềm vui trong cuộc sống của mình. Và trong những niềm vui đó có cả câu chuyện về nhiều lần ông cứu các cháu bé thoát cơn nguy kịch.
BS. Nguyễn Ngang tập luyện với con lăn do chính ông phát minh.
Cháu Đinh Phương Anh khi đó 3 tuổi bị sốt cao rồi co giật lúc đang ăn cháo. Thức ăn chui vào khí quản, tắc khí quản. Khi đó ông đang ăn cơm trưa, nghe tiếng kêu cứu la hét, ông bỏ bát cơm chạy vội đến nhà cháu bé. Hàng xóm kéo đến rất đông. Bố mẹ cháu hoảng sợ la khóc. Khi đó cháu bé đã tím tái, mắt trợn ngược, ngừng thở. Ông yêu cầu mọi người giải tán để lấy không khí cho cháu bé, rồi cấp cứu tại chỗ, dùng miệng hút hết thức ăn tắc trong mồm cháu bé, làm hô hấp nhân tạo, 5 phút sau cháu bé hồng hào trở lại. Ông bảo trường hợp này chỉ chậm vài phút không được cấp cứu kịp thời là cháu bé có thể tử vong. Chuyện đã qua hơn 20 năm. Cháu Phương Anh ngày ấy đã là người đàn ông trưởng thành, đã có gia đình, hằng năm vẫn đến chúc tết, hỏi thăm ông.
Dường như tính hướng thiện, tác phong bình dị, nhân nghĩa đã là bản năng trong con người ông, là phong cách sống của ông. Khi còn là giảng viên của Học viện Quân y, những năm 1986 sau khi tu nghiệp ở Cuba về, cả khoa đề nghị ông làm hồ sơ xét duyệt Phó giáo sư rồi Nhà giáo ưu tú, ông đều từ chối và luôn dành cơ hội cho lớp trẻ phấn đấu. Ông không ham công danh cũng không màng địa vị. Ông chỉ muốn làm việc chuyên môn, làm sao cống hiến được nhiều hơn và truyền thụ lại nhiều kiến thức và kinh nghiệm hơn cho học trò. Trong bài giảng của ông, ông thường dạy học trò nét cao quý nhất của người thầy thuốc là phải giữ cho mình cái tâm trong sáng, tâm có trong thì trí mới sáng để dốc hết kiến thức cho công việc trị bệnh cứu người. Vậy nên ông luôn được đồng nghiệp và học trò rất mực tôn kính. Nhiều học trò của ông bây giờ là thiếu tướng, phó giáo sư, tiến sĩ, chủ nhiệm khoa nhưng cho đến khi về hưu ông vẫn là bác sĩ chuyên khoa cấp 2. Ông bảo nhìn các thế hệ học trò thành đạt là ông vui lắm rồi. Niềm vui ấy trong ông lớn hơn tất cả những niềm vui về khát khao vật chất mà nhiều người hằng mơ ước.
4. Cuộc đời mỗi con người là những chuỗi ngày gắn với những kỷ niệm đáng nhớ để mỗi ngày trôi qua là một ngày chiêm nghiệm và suy ngẫm. Với BS. Nguyễn Ngang, kỷ niệm sâu sắc về gia đình ông như thước phim quay chậm, thấm đẫm tình người… Vào năm 1974, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước giải phóng đất nước của dân tộc ta đang trong giai đoạn khẩn trương và quyết liệt. Trên chiến trường, quân và dân ta đang dồn dập tiến công. Tin chiến thắng từ các nơi đến ngày một nhiều nhưng thương vong cũng không ít. Công việc của Viện 108 rất bộn bề. Thương binh từ các chiến trường miền Nam được đưa ra điều trị rất đông.
Tập thể y bác sĩ, y tá, hộ lý của viện làm việc với tinh thần cao nhất “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, làm việc không kể giờ giấc để cứu sống từng thương binh. Khoa Sản của viện ngày đó tiếp nhận một thương binh đặc biệt. Chị là một chiến sĩ rất kiên cường, đã mấy lần được nhận danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và bị thương trong một trận đánh khi đang mang thai đứa con đầu lòng sắp đến tháng đẻ. Sau khi được nhập viện cứu chữa vết thương, chị đã sinh một cháu trai đặt tên là Bắc, sau đó do sức yếu, chị đã mất và được công nhận là liệt sĩ.
Vợ chồng dược sĩ Uyển – cán bộ của Viện 108 và bác sĩ Nguyễn Ngang khi đó lấy nhau đã lâu mà không có con, đã làm đơn xin lãnh đạo viện cho nhận cháu Bắc về nuôi. Ông bà coi Bắc như con đẻ, tận tình chăm sóc nuôi dưỡng, bảo ban cháu học hành nên người… 22 năm sau, bỗng một ngày, bố ruột cháu Bắc tìm lại được con và gặp người nuôi nấng con mình suốt bao năm. Cuộc gặp mặt diễn ra rất chân tình và nồng ấm. Bác sĩ Ngang đã chia sẻ với bố ruột cháu: Cháu Bắc là con của đồng đội chúng tôi. Việc cứu chữa cho đồng đội và nuôi con của họ, tôi coi như việc tri ân người đã ngã xuống để chúng ta có được cuộc sống hôm nay… Chiến tranh đã làm cho bao cảnh đời mất mát khổ đau, bao gia đình ly tán…, nhưng chiến tranh cũng xuất hiện bao con người dũng cảm, tỏa sáng bao tấm lòng nhân hậu, bình dị mà cao cả, giàu đức hy sinh, mang niềm vui đến cho mọi người…
Bài và ảnh: Trung Kim
Báo Sức khoẻ & đời sống
Để lại bình luận